Oshin nhà chị tôi

Không chỉ kén chọn trong ăn uống, cô ôsin nhà chị Thanh còn làm gia đình chị phải ngỡ ngàng khi tuyên bố: bị dị ứng nước rửa bát....

 Oshin Quý tộc  là cái tên mà khu phố nhà chị Thanh ưu ái dành riêng cho cô ôsin nhà chị. Chẳng hiểu ở dưới quê cô sống ra sao, nhưng từ khi về nhà chị Thanh làm người giúp việc, cô ta đỏng đảnh ra trò. Lúc nào cô ta cũng luôn miệng kể với chị Thanh rằng: gia đình cô ta dưới quê “hoàn cảnh” lắm, nhà đông con, năm chị em nheo nhóc, đói khổ, từ nhỏ cô ta đã phải làm lụng lam lũ…Thế mà về nhà chị Thanh, cô ta còn tỏ ra “chảnh” hơn cả bà chủ. Trước tiên phải kể đến cái khẩu vị đặc biệt của cô ta. Phải nói rằng ôsin nhà chị vô cùng “kén” ăn. Mỗi hôm nhà chị ăn thịt gà thì cô ta nhất định chỉ ăn thịt nạc chứ không ăn da, ăn cá thì nhất định chỉ ăn cá chép, mà lại chỉ ăn mỗi…da cá chép. Trong bữa cơm, nhìn người giúp việc ngồi gảy gót đĩa thức ăn thì những ai không biết dễ tưởng cô ta là bà chủ, còn chị Thanh mới chính là người giúp việc khi xót của, toàn ăn đồ thừa.

Không chỉ kén chọn trong ăn uống, cô ôsin nhà chị Thanh còn làm gia đình chị phải ngỡ ngàng khi tuyên bố: bị dị ứng nước rửa bát. Thế là mỗi lần rửa chén bát, cô ta đều phải rón rén đeo găng tay. Còn mỗi khi giặt quần áo thì nhất định cô ta đòi chủ nhà phải mua loại bột giặt “dịu nhẹ với da”, thế mà cứ hễ giặt xong là cô ta lại vội vàng bôi ngay kem dưỡng da, cứ như thể làn da mỏng manh của cô có thể bị tổn thương bất cứ lúc nào vì những công việc nhà “nặng nhọc” như vậy. Thời buổi kiếm người giúp việc khó khăn nên chị Thanh cứ phải cắn răng “ngậm bò hòn làm ngọt”, chỉ sợ hễ lỡ miệng làm người giúp việc  phật ý, bỏ về quê thì khổ. Lắm hôm khó chịu quá, chị Thanh than phiền với mấy bà hàng xóm, chuyện đến tai cô ôsin, cô dằn dỗi mất cả tuần, kết tội cho bà chủ là “đi nói xấu” mình với mọi người, chị Thanh phải dỗ dành mãi mới yên chuyện.

Không có người giúp việc thì nhà cửa bề bộn, vất vả đủ đường, nhưng có người giúp việc thì chẳng hiểu có sướng hơn không, nhưng tốn kém thì nhận thấy rất rõ ràng. Từ ngày nhà có ôsin, tiền điện nhà chị Thanh cứ tăng lên vùn vụt. Trước cả nhà  bốn người dùng xả láng lắm cũng chỉ có 1 triệu đồng/tháng, nhưng có thêm cô ôsin vào thì có tháng tiền điện nhà chị vọt lên hẳn 2 triệu. Truy tìm nguyên nhân mãi, hóa ra cô ôsin ở nhà một mình thường có thói quen bật tivi liên tục dù chẳng hề để mắt tới. Cô ta giải thích rằng ở nhà một mình buồn, phải bật ti vi lên cho có tiếng người. Thêm vào đó, bình nóng lạnh nhà chị cũng được cũng được cô ôsin bật 24/24 giờ. Về việc này, cô cũng có lí do rất chính đáng rằng mùa đông lạnh nên phải dùng nhiều nước ấm. Từ giặt giũ, rửa bát đến lau chùi nhà cửa cô đều dùng nước ấm, ngay đến cả rửa rau cũng phải cũng phải nước ấm không thì sợ cóng tay. Chị Thanh xót ruột nhưng không biết làm sao, đành phải dặn các con tiết kiệm điện, và tự mình cũng ra sức tiết kiệm để làm gương cho cô giúp việc, nhưng dường như chẳng ăn thua. Chị cứ vắng nhà là cô ta lại chứng nào tật nấy.

Không chỉ có tiền điện tăng chóng mặt, mà tiền điện thoại nhà chị từ ngày có cô ôsin cũng liên tục “phi mã”. Mỗi lần nhận hóa đơn thanh toán, chị Thanh đều xây xẩm mặt mày. Những cuộc gọi đường dài mỗi lúc một dày đặc hơn và thời gian thì ngày một lâu hơn. “Thủ phạm” lại vẫn chính là cô giúp việc. Nhưng chị tỏ ý trách móc thì cô ta lại khóc lóc, lu loa lên rằng mình bị oan, rằng nhà cô không có điện thoại, phải gọi nhờ điện thoại nhà hàng xóm cách đó cả cây số, mỗi lần muốn nói chuyện phải chờ hàng xóm đi gọi người nhà đến, chứ cô nói chuyện nhanh gọn lắm, chủ yếu là thời gian chờ đợi. Nhưng chưa hết, không chỉ gọi điện về nhà, cô ôsin nhà chị Thanh còn có thói quen gọi điện  “buôn” với người yêu. Mỗi lần cô ta nói chuyện cũng phải dài đến mấy tiếng đồng hồ. Mà toàn nhằm lúc chị Thanh vắng nhà, từ ngày thuê ôsin, ngoài tiền trả lương cho cô ta ra, chị còn phải “đèo” thêm trăm thứ tiền phát sinh khác, nhưng khó chịu nhất vẫn là việc “tức mà chẳng dám nói”, lúc nào cũng phải nhẫn nhịn, “nịnh ôsin như nịnh mẹ chồng”.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đôi gánh trên vai mẹ tôi ...

Dưới phân nửa người dùng internet chưa bao giờ mua hàng trực tuyến

Người Việt từ chối 200tr của dân mạng Singapore